Tọa lạc ngay giữa lòng Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thu hút sự chú ý với phong cách kiến trúc Pháp cổ điển, tạo nên không gian mở rộng rãi từ bên ngoài cho đến bên trong nhà thờ. Đây là một điểm đến không thể thiếu đối với những ai muốn khám phá vẻ đẹp của thành phố Hồ Chí Minh. Được xem như biểu tượng đặc trưng của thành phố, nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình kiến trúc nổi bật tại Sài Gòn. Dù đã trải qua nhiều năm tháng với những thay đổi của thời gian, công trình vẫn giữ vững vẻ đẹp cổ kính và ấn tượng như lúc mới xây dựng.
Vị trí của nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà nằm tại địa chỉ Công trường Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Thường được gọi ngắn gọn là Nhà thờ Đức Bà hoặc Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, trong khi tên đầy đủ của nó là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Với chiều dài 91m, rộng 35,5m, mái vòm chính cao 21m và hai tháp chuông cao gần 57m, nhà thờ nổi bật với kiến trúc cổ điển Pháp, được thiết kế bởi kiến trúc sư J.Bourard. Không gian bên ngoài rất thoáng đãng, còn bên trong lại mang vẻ uy nghi và cổ kính. Nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Sài Gòn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
- Địa chỉ: Công trường Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TpHCM
Lịch sử Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có một lịch sử gắn liền với sự kiện chiến tranh xâm lược của Pháp vào cuối thế kỷ 19. Lúc bấy giờ, chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dựng một nhà thờ lớn để phục vụ nhu cầu tôn giáo của quân đội và cộng đồng người Pháp. Cathedral Saigon đầu tiên được xây dựng trên đường Ngô Đức Kế nhưng không đáp ứng được nhu cầu, vì vậy đô đốc Pháp Bonard đã chỉ đạo xây một công trình lớn hơn.
Việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bắt đầu vào ngày 28 tháng 3 năm 1863 và hoàn thành sau hai năm thi công. Đến năm 1895, người Pháp đã cho xây thêm hai tháp chuông, xung quanh là sáu chiếc chuông đồng nhỏ. Trên đỉnh mỗi tháp có một cây thánh giá cao 3.5m, rộng 2m, nặng 600kg. Tòa nhà cao 60.5m từ mặt đất đến đỉnh. Cùng lúc đó, một bức tượng đồng của Giám mục Adran dắt tay Hoàng tử Cảnh cũng được đặt trước nhà thờ. Tuy nhiên, bức tượng đã bị phá hủy vào năm 1945, chỉ còn lại phần chân tượng.
Vào năm 1959, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiện đã cho đặt tượng Đức Mẹ Hòa Bình từ Rôma. Ngày 7 tháng 2 năm 1959, Đức Hồng Y Agagianian từ Rôma đã tới tham dự lễ khánh thành tượng. Từ đó, nhà thờ được gọi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Năm 1960, khi Giáo hoàng John XXIII thành lập giáo phận Công giáo La Mã tại Việt Nam, nhà thờ được đổi tên thành Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Đến năm 1962, Giáo hoàng phong tặng nhà thờ danh hiệu Vương cung thánh đường.
Quá trình tu bổ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Đến nay, nhà thờ này đã trải qua ba lần đại tu. Tu bổ ần đầu tiên vào năm 1895, tháp chuông với mái nhọn được xây dựng. Lần thứ hai, vào năm 1903, là việc tôn tạo mặt tiền, xây dựng vườn hoa và tượng đài Bá Đa Lộc. Lần thứ ba vào năm 1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình được đặt tại nhà thờ.
Hiện nay, nhà thờ đang trong quá trình trùng tu lần thứ tư, một dự án lớn bắt đầu từ tháng 8 năm 2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm 2020, nhưng do nhiều khó khăn phát sinh, công trình sẽ hoàn tất vào năm 2027.
Trong suốt thời gian tu sửa, nhà thờ vẫn mở cửa đón giáo dân vào mỗi Chủ nhật. Đặc biệt, giờ lễ nhà thờ Đức Bà lúc 9h30 sáng Chủ nhật hàng tuần, thánh lễ được cử hành bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách và người tham quan vẫn có thể dạo quanh, chụp ảnh trong khuôn viên hoặc tại quảng trường trước nhà thờ.
Kiến trúc đặc sắc của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Phong cách kiến trúc
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng theo phong cách tân La Mã (Romanesque Revival), một trường phái phổ biến vào giữa thế kỷ 19, lấy cảm hứng từ các công trình Romanesque thế kỷ 11-12. Những đặc trưng của phong cách này bao gồm các mái vòm lớn và các cửa sổ đơn giản nhưng mạnh mẽ về hình thức.
Để xây dựng nhà thờ, tất cả các vật liệu như xi măng, sắt thép và ốc vít đều được nhập khẩu từ Pháp. Đặc biệt, lớp gạch ngoài của nhà thờ được sản xuất tại Marseille, nổi bật với ưu điểm giữ màu sáng hồng bền vững theo thời gian mà không cần tô trát, không bị rêu mốc. Nhà thờ còn sở hữu 56 cửa sổ kính màu tinh xảo, sản xuất tại Chartres, Pháp, mang lại một vẻ đẹp độc đáo.
Về thiết kế của Nhà thờ
Phần móng nhà thờ được thiết kế đặc biệt để chịu được sức nặng gấp 10 lần toàn bộ công trình. Một điểm đặc biệt khác là nhà thờ không có hàng rào hay tường bao, điều này tạo nên một không gian mở khác biệt so với các nhà thờ ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Nội thất của thánh đường có hai dãy chính theo hình chữ nhật, tượng trưng cho 12 tông đồ với sáu dãy bên mỗi phía. Bệ thờ làm bằng đá hoa cương nguyên khối với các tượng thiên thần chạm khắc tỉ mỉ. Các ô cửa kính màu sắc, có 56 ô với các cảnh trong Kinh Thánh và 31 hình hoa hồng, tạo nên một không gian trang nghiêm, hài hòa. Tuy nhiên, chỉ còn 4 ô cửa kính nguyên vẹn, phần còn lại đã được thay thế sau khi bị hư hỏng trong chiến tranh vào năm 1949.
Tháp chuông nhà thờ
Ban đầu, hai tháp chuông của nhà thờ có độ cao 36.6m, không có mái và chỉ có một cầu thang hẹp. Vào năm 1895, hai mái vòm được thêm vào, nâng tổng chiều cao của tháp lên 57m. Sáu quả chuông của nhà thờ, nhập khẩu từ Pháp vào năm 1879, được treo trên hai tháp và được điều khiển bằng điện. Đặc biệt, âm thanh của những quả chuông vang lên mỗi ngày vào 5 giờ sáng và 16 giờ 15 phút và vào các ngày lễ, chuông sẽ reo ba hồi. Tiếng chuông có thể nghe thấy từ xa tới 10 km.
Giữa hai tháp chuông, một chiếc đồng hồ lớn được đặt, sản xuất năm 1887 với trọng lượng lên đến 1 tấn và vẫn giữ được độ chính xác tuyệt vời qua hơn một thế kỷ.
Quảng trường trước nhà thờ
Quảng trường Công xã Paris nằm giữa Nhà thờ Đức Bà và đường Nguyễn Du, với tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt tại trung tâm. Đây là một địa điểm phổ biến cho du khách và người dân địa phương, nơi mọi người thường dừng lại uống cà phê, chụp ảnh và ngắm chim bồ câu. Vào cuối tuần, quảng trường trở thành điểm tụ tập của giới trẻ. Nhà thờ Đức Bà đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn và gần đó còn có Dinh Độc Lập và Bưu điện thành phố, ba điểm đến lý tưởng để khám phá Sài Gòn.
Trên đây là những chi tiết về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn từ hướng dẫn du lịch của Tway Air. Hãy tiếp tục theo dõi Tway Air để khám phá thêm nhiều địa danh thú vị trên khắp đất nước Việt Nam.