Người ta thường nói, con đường nhanh nhất để chinh phục trái tim một chàng trai chính là thông qua những món ăn tuyệt hảo. Và nếu Hà Nội được ví như một nàng thơ, hẳn rằng đã có biết bao chàng trai đắm say, nhung nhớ. Khi đến Hà Nội, ngoài việc khám phá những di tích lịch sử lâu đời, dạo bước qua 36 phố phường với vẻ đẹp đầy thi vị, bạn không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ăn truyền thống của Hà Nội. Những hương vị ấy không chỉ làm say lòng người dân Hà Nội mà còn khiến du khách phương xa luôn khắc khoải nhớ về. Ngay bây giờ, hãy cùng Tway Air điểm qua những món ăn nhất định phải thử khi đặt chân đến thủ đô nghìn năm văn hiến này nhé!
Phở Hà Nội
Đứng đầu danh sách món ngon Hà Nội không thể thiếu Phở – hương vị đặc trưng của đất Thăng Long. Phở Hà Nội không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn mang nét đặc biệt riêng, như Thạch Lam từng viết: “Phở là một món ăn đặc biệt của Hà Nội, dù nơi khác cũng có, nhưng ngon nhất vẫn là ở đây.”
Bên cạnh các quán cố định, Hà Nội còn có những “phở gánh” – hình ảnh đôi quang gánh với nồi nước dùng nghi ngút khói trên bếp than, mang lại cảm giác bình dị mà ấm áp. Thưởng thức một bát phở nóng vào buổi sáng, bạn sẽ hiểu vì sao món ăn này lại gắn bó và níu chân biết bao người, từ du khách đến người con xa quê. Phở Hà Nội chính là hương vị bạn nhất định phải thử khi đến thủ đô!
Bún chả
Bún chả là món ăn dân dã, gắn bó lâu đời với ẩm thực Hà Nội. Dù không rõ nguồn gốc ra đời, món ăn này vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống qua thời gian, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Nét đặc biệt của bún chả nằm ở bát nước chấm đậm đà, pha giấm, tỏi, ớt hài hòa cùng thịt nướng thơm lừng và bún tươi mềm mịn. Bún và rau được dùng riêng, khi ăn mới nhúng vào nước chấm, giúp giữ trọn vị ngon từng thành phần.
Thường được người Hà Nội yêu thích vào bữa trưa, bún chả không chỉ là món ăn, mà còn là biểu tượng văn hóa ẩm thực, gắn liền với hình ảnh những quán nhỏ vỉa hè đầy thân thuộc.
Bún thang
Hà Nội có đặc sản gì? Bún thang từ lâu đã được xem là biểu tượng ẩm thực Hà Nội, được ví như “bông hoa rực rỡ” với hương, sắc và vị hòa quyện, chinh phục thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Tên gọi “bún thang” bắt nguồn từ chữ “thang,” gợi sự phối hợp nhiều nguyên liệu, hoặc có thể hiểu là “bún chan canh” theo tiếng Hán. Dù lý giải thế nào, bún thang vẫn gói trọn trong hai chữ: “Tuyệt phẩm!”.
Người Hà Nội xưa ăn bún thang luôn có mắm tôm và tinh dầu cà cuống để tạo hương vị đặc trưng. Ngày nay, cà cuống hiếm dần, hương vị ấy cũng mai một, chỉ còn trong ký ức. Vì thế, mắm tôm trở thành “nét duyên ngầm” giữ lại tinh hoa của bún thang Hà Nội.
Cháo sườn
Nếu bạn từng đến Hà Nội, chắc hẳn đã nghe qua món cháo sườn – món ăn dân dã quen thuộc với người dân nơi đây. Cháo sườn Hà Nội đặc biệt bởi gạo tẻ được xay mịn rồi nấu thành cháo sánh nhuyễn, mềm mại, khiến nhiều người lần đầu thưởng thức không khỏi bất ngờ.
Cháo sườn có thể ăn quanh năm, nhưng đặc biệt hấp dẫn vào những ngày đông lạnh hay thu se lạnh. Chỉ cần bước ra đường, bạn dễ dàng bắt gặp những quán cháo ven đường hoặc gánh cháo rong giản dị mà ấm cúng.
Cốm
Cốm là món quà đặc biệt, mang hương vị mộc mạc của làng quê Việt Nam, gắn liền với những cánh đồng lúa xanh mướt. Cốm xanh Hà Nội đã trở thành đặc sản quen thuộc của người dân thủ đô, không chỉ là món ăn mà còn là quà tặng giản dị nhưng đầy tình cảm.
Cốm được làm từ lúa non, thu hoạch vào mùa thu, khi thời tiết chuyển lạnh, tạo nên hương vị đặc trưng. Cốm làng Vòng, thuộc Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, được biết đến là ngon nhất. Để làm ra hạt cốm, lúa được rang vừa phải, rồi giã đến khi dẻo và kết dính. Cốm có thể ăn kèm chuối tiêu, làm chả cốm, bánh cốm, hay chè cốm, là món quà mang đậm nét văn hóa thủ đô.
Bún đậu
Bún đậu từ lâu đã trở thành một món ăn đặc trưng, giản dị của người dân miền Bắc. Món ăn này có thể được dùng như một bữa chính hoặc bữa phụ đều rất hợp. Sự kết hợp giữa bún và mắm tôm mang đến một hương vị khó quên, làm say lòng bất cứ thực khách nào.
Một phần bún đậu đầy đủ gồm có: bún, nem, đậu chiên giòn, chả cốm, thịt luộc, dồi, và rau sống. Tùy theo sở thích của từng người, các quán có thể thay đổi những món topping cho phù hợp. Khi thưởng thức bún đậu, bạn sẽ cảm nhận được sự giòn tan của miếng đậu chiên nóng hổi, càng thêm hấp dẫn khi được chấm cùng mắm tôm đậm đà.
Chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực Hà Nội, được yêu thích bởi hương vị đặc sắc và giá trị dinh dưỡng cao. Món ăn này chủ yếu được chế biến từ cá lăng, loài cá có thân lớn, ít xương và thịt ngọt, dai. Chả cá ngon nhất khi được kết hợp với bún, mắm tôm và các loại rau thơm, tạo nên một bữa ăn đậm đà, trọn vẹn. Khi khám phá thủ đô, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những quán chả cá chất lượng, mang đến những trải nghiệm ẩm thực khó quên.
Bánh tôm
Hà Nội có đặc sản gì? Bánh tôm, từng là món ăn phổ biến trên những gánh hàng rong ở đường Thanh Niên, nay đã trở thành đặc sản Hà Nội mà ai cũng phải thử. Được làm từ bột, tôm và gia vị, bánh tôm hấp dẫn nhờ vào cách chế biến khéo léo. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận lớp vỏ giòn, vị đậm đà của nước chấm chua, cay, ngọt và tôm tươi bên trong. Dọc Hồ Tây, có nhiều quán bánh tôm nổi tiếng với giá cả hợp lý.
Bánh cuốn
Bánh cuốn là món ăn rất được yêu thích ở Hà Nội, đặc biệt là vào bữa sáng. Tuy nhiên, vì được chế biến từ gạo, bánh cuốn cũng có thể dùng thay cho các bữa ăn chính trong ngày.
Cấu tạo của bánh cuốn bao gồm lớp bột gạo được hấp chín, sau đó cán mỏng và cuốn lại với nhân thịt băm, mộc nhĩ. Món bánh này có mùi thơm hấp dẫn từ nhân bên trong, còn lớp vỏ bánh mỏng, dẻo dai khiến thực khách dễ dàng thưởng thức một cách ngon miệng. Khi ăn, người ta thường rắc thêm chút hành phi để tăng thêm vị đậm đà cho món ăn.
Hà Nội không chỉ thu hút du khách bằng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn gây ấn tượng mạnh với những món ăn truyền thống đặc sắc, mỗi món ăn đều mang trong mình một câu chuyện và hương vị riêng biệt. Từ phở, bún chả đến những món ăn giản dị như cốm, chả cá, tất cả đều thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của thủ đô. Nếu có dịp đến Hà Nội, đừng quên thưởng thức những món ăn truyền thống của Hà Nội để trải nghiệm trọn vẹn hương vị của mảnh đất nghìn năm văn hiến.